Giữa dòng chảy thời gian đang cuộn lại và không ngừng xoay vòng, những xu hướng phụ kiện hoài cổ đang quay trở lại, và tiếp tục làm mới thế giới thời trang với cách tiếp cận hiện đại. Không ngoại lệ, ghim cài áo từ những năm 20 đã có màn “comeback” ấn tượng.
Chưa bao giờ có khái niệm “lỗi thời”, thời trang luôn đổi mới không ngừng trong dòng chảy của thời gian và sáng tạo. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các nhà mốt danh tiếng luôn tìm lại kho lưu trữ để lấy cảm hứng tạo nên bộ sưu tập mới. Chất liệu từ quá khứ luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong thế giới thời trang. Chính cái cũ sẽ được giao thoa với cái mới của thời đại và người nghệ sĩ. Kinh nghiệm đúc kết từ sự quan sát và thử nghiệm qua thời gian thực hành thời trang của họ sẽ phản chiếu lên các thiết kế để tái sinh trong hình hài mới. Nói không ngoa, bản chất của thời trang chính là sự xoay vòng. Ở đó, thông qua những xu hướng mới, chúng ta thấy dáng dấp của lịch sử qua hình hài non trẻ giao thoa với nét chấm phá hiện đại.
“Ghim cài áo là sự lựa chọn hàng đầu khi tôi muốn một món trang sức lấp lánh, nổi bật nhưng không quá nổi bật. Và phụ kiện này có thể mang đến sự cân bằng hoàn hảo cho tổng thể” – Cathrine Børter, người sáng lập thương hiệu trang sức Pearl Octopuss.
Nguồn gốc của ghim cài
Ghim cài áo có nguồn gốc từ thời cổ đại với mục đích dùng để cố định quần áo. Từ thời kỳ Phục Hưng đến thế kỷ 19, phụ kiện này bắt đầu được thiết kế phức tạp và lộng lẫy, với đá quý và ngọc trai nhằm để trang trí. Các thiết kế thường mang tính nghệ thuật cao, phản ánh sự thịnh vượng và phong cách đặc trưng lúc bấy giờ. Cụ thể, vào những năm 1920 và 1930, các thương hiệu xa xỉ như Tiffany & Co. và Cartier đã cho ra mắt những chiếc ghim cài áo đầu tiên như một phụ kiện thời trang, đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng trong nghệ thuật chế tác kim hoàn. Cụ thể là sự kiện Cartier chế tác ghim cài bằng ngọc lục bảo và kim cương cho nữ doanh nhân Marjorie Merriweather Post vào năm 1928. Từ đó, những chế tác phụ kiện tinh xảo này được xem là biểu tượng đại diện cho quý tộc và tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ.
Trước đây, ghim cài được sử dụng như một biểu tượng đại diện cho tầng lớp quý tộc và giới thượng lưu. Về sau, khi các dòng chảy thời trang giao thoa mạnh mẽ dưới sự bành trướng của internet, ghim áo đã trở thành một món phụ kiện quen thuộc, thường được sử dụng để tạo điểm nhấn cho trang phục.
Trong khoảng thời gian gần đây, món trang sức đang trở thành xu hướng mới khi được sử dụng để làm nổi bật các thiết kế trên nhiều sàn diễn và thảm đỏ. Tín đồ thời trang sử dụng ghim cài áo như một cách thể hiện sự tinh tế và tỉ mỉ qua các bản phối trang phục riêng biệt.
Cũ và mới: Sự trở lại của xu hướng phụ kiện ghim áo
Trước khi tiếp tục với ghim áo, cùng nhắc lại hành trình thời trang hoài niệm đã có ảnh hưởng như thế nào trong những năm gần đây. Thời trang hoài niệm có tầm ảnh hưởng lớn trong việc định hình phong cách của thế hệ trẻ, nổi bật là phong cách Y2K đình đám.
Vào thập niên cũ, Y2K là tiếng nói thời trang thể hiện khát vọng được bộc lộ cái tôi khác biệt và mong muốn vượt qua mọi giới hạn của người trẻ. Bên cạnh đó, xu hướng từ các thời kỳ khác cũng quay trở lại, từ Grunge, thập niên 80, đến những trào lưu “core” lấy cảm hứng từ quá khứ như “Coquettecore”, “Balletcore”, và “Officecore”. Chưa dừng lại ở đó, cơn bão “nostalgia” cũng đổ bộ mạnh mẽ hơn sau sức hút của series lãng mạn Bridgerton mùa 3 với Penelope cùng phong cách thời trang lấy cảm hứng từ các minh tinh màn bạc những năm 1950. Nhờ đó, ghim áo với những chạm khắc cổ điển và quý tộc đã quay lại và khuấy đảo giới mộ điệu từ sàn diễn đến thực tế.
Ghim áo đã có màn chào sân ấn tượng vào 2023 khi được các nhà mốt danh tiếng như Dries Van Noten, Issey Miyake, Tory Burch, Jil Sander.. mang lên sàn diễn Xuân Hè 2023.
Đến sàn diễn Thu Đông 2024, ghim áo tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng bất tận với thiết kế nhẹ nhàng và mềm mại hơn qua các thương hiệu nổi bật như Chanel, Tory Burch, Miu Miu.. Những bộ sưu tập với các mẫu phụ kiện vượt thời gian, gây ấn tượng giới mộ điệu với những chạm khắc tinh tế đến từ chất liệu quá khứ.